Taekwondo có mấy đai? Ý nghĩa màu đai Taekwondo như thế nào? Học Taekwondo bao lâu thì lên đai đen?... Đây là ba trong số rất nhiều thắc mắc của các bạn mới tiếp cận môn võ này. Ở bài viết trước, tôi đã tóm tắt một số thông tin về phân loại đai trong Taekwondo rồi. Trong bài viết này, chúng ta cùng đi sâu vào chi tiết nhé!
Taekwondo có mấy đai? Các hệ phái Taekwondo
Nếu bạn đã tìm hiểu về môn võ Taekwondo hoặc đã có một thời gian ngắn tập bộ môn này, chắc hẳn bạn sẽ thấy hệ thống đai của Taekwondo khá rắc rối. Ví dụ, một số câu lạc bộ, trung tâm có tận 10 cấp đai bắt đầu từ trắng lên đỏ, một số khác lại chỉ có 8 cấp.
Trên thực tế, Taekwondo có hai hệ phái chính là ITF và WTF. Trong khi ITF có 10 cấp đai màu thì WTF lại chỉ có 8 mà thôi. Chính vì vậy, nếu bạn nhận ra sự khác biệt này thì cũng không vấn đề gì cả. Chỉ là các câu lạc bộ, trung tâm đó theo hệ phái khác nhau mà thôi.
- Liên đoàn Taekwondo Quốc tế (tên tiếng Anh: International Taekwondo Federation, hay ITF) là một hệ phái do tướng Choi Hong Hi (최홍희) sáng lập vào năm 1966. Hệ phái này được phát triển dựa trên sự kết hợp giữa võ Triều Tiên cổ Taekkyon và Karate để trở thành hệ thống kỹ thuật Taekwondo hiện đại.
- Liên đoàn Taekwondo Thế giới (tên tiếng Anh: World Taekwondo Federation, hay WTF hoặc WT) là một tổ chức được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) công nhận là một liên đoàn thể thao chính thức với vai trò quản lý môn võ Taekwondo ở phạm vi quốc tế. WTF được thành lập tại Hội nghị ngày 28 tháng 5 năm 1973 tại Kukkiwon, Seoul, Hàn Quốc với 35 đại diện đến từ các quốc gia thành viên tham dự.
Nói một cách ngắn gọn để bạn dễ hình dung, WTF tuy là tổ chức sinh sau đẻ muộn nhưng vì một vài lý do khách quan mà trở nên “lấn lướt” so với ITF. Lý do khách quan đó là gì thì xin mời bạn đọc tìm hiểu thêm tại đây vì kiến thức này khá nhạy cảm và cũng không thuộc chuyên môn thể thao của tôi nên tôi không thể nêu rõ trong bài viết này.
Quay trở lại việc 10 cấp với 8 cấp ở trên, dựa trên suy luận và quan sát chủ quan của tôi thì tôi tạm kết luận: Võ sinh ở các câu lạc bộ, trung tâm ở Việt Nam có đeo loại đai 10 cấp hay 8 cấp thì bản chất vẫn là hệ phái WTF vì hai lý do: (1) Liên đoàn Taekwondo Việt Nam là thành viên trực thuộc Liên đoàn Taekwondo Thế giới; (2) Tất cả kỹ thuật mà các võ sinh tập Taekwondo ở Việt Nam đều phải theo chuẩn quy định của WTF.
Chính vì vậy, trong bài viết này tôi chỉ chia sẻ với bạn đọc về thắc mắc “Taekwondo có mấy đai” trong phạm vi hệ phái WTF thôi (tức là hệ thống đai 8 cấp mà các bạn thường thấy). Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các cấp đai của hệ phái ITF thì bạn đọc bài viết này nhé:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Li%C3%AAn_%C4%91o%C3%A0n_Taekwon-Do_qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF
Taekwondo có mấy đai? Các loại đai trong Taekwondo
Taekwondo (cụ thể là WTF) có ba loại đai được quy định như sau:
- Geup (급): Ở Việt Nam các thầy cô hay gọi là Cấp. Đây là hệ thống đai màu từ trắng lên đỏ.
- Poom (품): Là loại đai có màu đen đỏ, dành cho võ sinh dưới 15 tuổi đạt đai đen.
- Dan (단): Ở Việt Nam, các thầy cô hay gọi là Đẳng. Đây là hệ thống đai đen của Taekwondo, bắt đầu từ Nhất Đẳng (Nhất Đẳng huyền đai) lên Thập Đẳng (Thập Đẳng huyền đai).
Hệ phái Taekwondo WTF có 18 bậc, trong đó có 8 cấp và 10 đẳng. Khởi đầu võ sinh mang đai trắng Geup 8. Sau mỗi 3 hoặc 6 tháng (tùy vào kế hoạch tổ chức của mỗi quốc gia), võ sinh sẽ tham gia kỳ thi thăng đai và lên một cấp. Sau khi đạt được đai Poom hoặc Dan, thì thời gian lên đẳng được quy định riêng. Cụ thể như sau:
- Từ Nhất Đẳng lên Nhị Đẳng: Tối thiểu 1 năm Nhất Đẳng
- Từ Nhị Đẳng lên Tam Đẳng: Tối thiểu 2 năm Nhị Đẳng
- Từ Tam Đẳng lên Tứ Đẳng: Tối thiểu 3 năm Tam Đẳng
- Từ Tứ Đẳng lên Ngũ Đẳng: Tối thiểu 4 năm Tứ Đẳng
- Từ Ngũ Đẳng lên Lục Đẳng: Tối thiểu 5 năm Ngũ Đẳng
- Từ Lục Đẳng lên Thất Đẳng: Tối thiểu 6 năm Lục Đẳng
- Từ Thất Đẳng lên Bát Đẳng: Tối thiểu 7 năm Thất Đẳng
Mặc dù mức Đẳng có thể tăng dần tới tối đa là Thập Đẳng nhưng Cửu Đẳng và Thập Đẳng là cấp bậc danh dự, các võ sư thông thường không đạt được. Tính đến năm 2010, trên thế giới mới chỉ có 6 đại võ sư được Viện Hàn lâm Taekwondo Thế giới Kukkiwon công nhận đạt mức Thập Đẳng huyền đai.
Kukkiwon không cho phép võ sinh dưới 15 tuổi đạt các Đẳng (Dan). Thay vào đó, các võ sinh sẽ được trao đẳng Poom (màu đai đen đỏ, giống với Dan về chuyên môn). Võ sinh có thể đạt tối đa là 4 Poom. Sau khi võ sinh đủ tuổi thi Đẳng và đậu kỳ thi thăng đẳng tiếp theo thì đẳng Poom được quy đổi tương đương sang đẳng Dan.
Từ đây ta có thể suy ra, trong điều kiện lý tưởng nhất thì võ sinh cần tối thiểu 27 tháng, tương đương với 2 năm 3 tháng để đạt được Đai Đen Nhất Đẳng (Nhất Đẳng Huyền Đai).
Tại sao lại là 27 tháng? Tôi cứ tính đơn giản thế này, trong điều kiện lý tưởng nhất (tức là mỗi 3 tháng bạn thi thăng cấp và đều đỗ kỳ thi) bạn sẽ mất 21 tháng để từ đai Trắng cấp 8 lên Đỏ cấp 1. Từ đai Đỏ cấp 1, bạn cần đợi tối thiểu 6 tháng mới đạt điều kiện thi Đai Đen Nhất Đẳng.
Đến đây ta đã giải quyết được hai câu hỏi: Học Taekwondo bao lâu thì lên đai vàng và Học Taekwondo bao lâu thì lên đai đen. Câu trả lời là bạn cần tối thiểu 3 tháng để lên đai Vàng, và 27 tháng để lên đai Đen.
Ý nghĩa màu đai Taekwondo
Như đã hứa ở bài viết trước về học võ Taekwondo, sau đây tôi sẽ chia sẻ với các bạn ý nghĩa màu đai Taekwondo nhé!
Ý nghĩa màu đai Trắng
Khi bạn bắt đầu nhập môn và tập luyện Taekwondo, bạn sẽ được phát đeo một chiếc đai màu trắng.
Màu trắng không chỉ là biểu tượng cho sự trong sáng, tinh khôi mà nó còn mang ý nghĩa là sự khởi đầu cho một sự sống, một hạt giống mới bắt đầu được ươm mầm.
Võ sinh đeo đai trắng là người bắt đầu bước trên con đường học “đạo”, tìm kiếm tri thức tinh hoa võ thuật.
Ý nghĩa màu đai Vàng
Màu đai Vàng là đại diện cho ánh sáng mặt trời. Chính ánh sáng mặt trời đã làm cho hạt giống non trẻ được nảy mầm.
Ánh sáng của mặt trời - ánh sáng tri thức đã đem đến sức mạnh để võ sinh từng bước tiếp thu những tinh hoa võ thuật.
Võ sinh đeo đai Vàng chứng tỏ họ đã bắt đầu lĩnh hội được những tri thức cơ bản, đầu tiên của Taekwondo, như hạt giống nhận được ánh sáng - những bài giảng từ huấn luyện viên của mình.
Ý nghĩa màu đai Xanh Lục
Màu đai Xanh Lục thể hiện sự lớn lên của mầm cây nhỏ. Từ hạt giống nhỏ đai Trắng, sau khi được hấp thụ ánh sáng từ mặt trời ở cấp đai Vàng, mầm cây đã trở nên cao lớn thành cái cây bắt đầu xanh lá.
Võ sinh đeo đai màu Xanh lục đã bắt đầu được học để phát triển và tự hoàn thiện bản thân trong các kỹ thuật căn bản, tấn pháp và tinh thần trong rèn luyện.
Ý nghĩa màu đai Xanh Lam
Khi cái cây trưởng thành, nó đã đủ khả năng đứng vững để khẳng định vị thế của chính bản thân mình. Theo quy luật của tự nhiên, cái cây sẽ vươn mình về phía bầu trời xanh thẳm của trí tuệ – của võ học.
Võ sinh đeo đai Xanh Lam lúc này được bổ sung kiến thức về bộ môn Taekwondo để hoàn thiện bản thân mình và rèn luyện ý chí tiếp tục vượt qua mọi khó khăn để vươn cao tới thành công.
Ý nghĩa màu đai Đỏ
Màu đai Đỏ là biểu tượng cho Mặt Trời. Khi cái cây đã trưởng thành, đứng vững và vươn cao, nó sẽ tiếp tục phát triển hướng về phía mặt trời.
Võ sinh đeo dây màu đỏ là cấp cao nhất trong hệ thống đai màu. Khi đạt đến trình độ này, võ sinh đã nắm vững kiến thức cốt lõi và chi tiết về các kỹ thuật căn bản.
Màu đỏ là màu nóng – mang ý nghĩa những kiến thức và khối lượng bài tập của võ sinh ở trình độ này là cực kỳ chuyên sâu và đòi hỏi thể chất của võ sinh phải tốt để kiên cường trước sức nóng của “mặt trời” võ học.
Ý nghĩa màu đai Đen
Đai Đen biểu tượng cho tri thức võ thuật, điều đã giúp con người ta vượt ra ngoài những đêm trường tối tăm.
Khi võ sinh được phong Đai Đen, họ đã nắm bắt và thuần thục đầy đủ kiến thức căn bản để tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm tri thức mới của võ đạo – đó là con đường đi đến đỉnh cao của võ học – chính là “nghệ thuật” thực hành Taekwondo (도 - “Do” trong Taekwondo).
Từ đây, khi võ sinh đạt đến trình độ đai đen Nhị Đẳng trở lên, họ đã có thể được làm trợ lý HLV để bắt đầu dạy cho những thế hệ kế cận, tiếp tục ươm mầm những “hạt giống” mới, hướng tới đỉnh cao của trí tuệ và khoa học.
Nội dung thi lên cấp, đai và đẳng trong Taekwondo
Sau đây là những nội dung cơ bản trong kỳ thi thăng đai và thăng đẳng Taekwondo áp dụng tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Đai Trắng Cấp 8 lên đai Xanh Lục Cấp 6
- Căn bản: 10 đòn đấm trung đẳng Momtong-jireugi (몸통 지르기).
- Quyền pháp (Poomsae): Bài quyền Thái Cực số 1 (Taegeuk Il-Jang) đối với đai Trắng Cấp 8 lên đai Vàng Cấp 7; bài quyền Thái Cực số 2 (Taegeuk Ee-Jang) đối với đai Vàng Cấp 7 lên đai Xanh Lục Cấp 6.
- Tam thế đối luyện gồm 3 đòn.
Đai Xanh Lục Cấp 6 lên Xanh Lam Cấp 5
- Căn bản: 10 đòn đấm trung đẳng Momtong-jireugi (몸통 지르기) và 2 đòn đá: Đá trước Ap-chagi (앞차기), đá ngang Yeop-chagi (옆차기).
- Quyền pháp: Bài quyền Thái Cực số 3 Taegeuk Sam-Jang.
- Nhất thế đối luyện gồm 4 đòn.
Đai Xanh Lam Cấp 5 đến đai Đỏ Cấp 1
- Căn bản: 10 đòn đấm trung đẳng Momtong-jireugi (몸통 지르기) và 4 đòn đá: đá trước Ap-chagi (앞차기), đá ngang Yeop-chagi (옆차기), đá vòng cầu Dollyo-chagi (돌려차기), đá tống sau Dwi-chagi (뒤차기).
- Quyền: Lần lượt từ đai Xanh Lam Cấp 5 đến đai Đỏ Cấp 1: Bài quyền Thái Cực số 4 Taeguek Sa-Jang, Bài quyền Thái Cực số 5 Taegeuk Oh-Jang, Bài quyền Thái Cực số 6 Taegeuk Yuk-Jang, Bài quyền Thái Cực số 7 Taegeuk Chil-Jang .
- Nhất thế đối luyện gồm 4 đòn.
- Song đấu: đấu (tính điểm hoặc chỉ để kiểm tra trình độ) với võ sinh đồng cấp.
Đai Đỏ Cấp 1 lên Nhất Đẳng Huyền Đai
- Điều kiện dự thi: Đeo đai Đỏ Cấp 1 ít nhất 6 tháng.
- Mỗi năm có 2 đợt thi (mỗi đợt cách nhau 6 tháng)
- Căn bản: 10 đòn đấm trung và 4 đòn đá như trên.
- Quyền pháp:
- Bài Thái Cực số 8 Taeguek Pal-Jang.
- Bốc thăm ngẫu nhiên từ Thái cực 1 đến Thái cực 7.
- Nhất thế đối luyện gồm 5 đòn: Theo quy định của HLV trưởng Liên Đoàn Taekwondo Việt Nam.
- Đòn Tay;
- Đòn Chân;
- Đòn Tay, chân phối hợp;
- Đòn Bay;
- Đòn Sáng tạo (Tổng hợp).
- Song đấu tự do: đấu tính điểm 2 trận với thí sinh đồng cấp, mỗi trận khoảng 60 đến 75 giây.
- Thể lực. Hít đất (Chống đẩy):
- Dưới 16 tuổi 30 lần;
- Từ 16-18 tuổi 40 lần;
- Trên 18 tuổi 60 lần.
- Bay đá: Bay đá thẳng Ap chagi và bay đá ngang Yeop chagi.
- Công phá:
- Nam võ sinh: Dùng cạnh bàn tay ngoài chặt vỡ 1 viên gạch thẻ.
- Nữ võ sinh và võ sinh dưới 16 tuổi không thực hiện công phá.
Kỳ thi thăng Đẳng (Dan)
- Điều kiện dự thi: Đeo cấp Đẳng hiện tại với thời gian (tính bằng năm) bằng với cấp Đẳng hiện tại.
- Những võ sinh từ 4 Dan đến 5 Dan có bảng tên Nền đen chữ đỏ.
- Mỗi năm có 1 kì thi vào tháng 11.
- Thực hiện các đòn đấm, đá căn bản như kỳ thi trước.
- Quyền pháp: Bài quyền theo Cấp Đẳng và bài quyền bốc thăm một trong những bài quyền trước.
- Nhất thế đối luyện gồm 5 đòn: Bao gồm các tư thế đối luyện đứng và đối luyện ngồi.
- Song đấu tự do: đấu tính điểm 2 trận với thí sinh đồng cấp, mỗi trận 3 phút.
- Thể lực: như thi lên 1 Dan.
- Công phá: Dùng cạnh bàn tay ngoài chặt vỡ gạch thẻ, 4 viên đối với Nam và 3 viên đối với Nữ.
- Từ 5 Dan lên 6 Dan phải chặt được 1 viên gạch bằng cạnh bằng tay trong.
- Từ 6 Dan trở lên, võ sinh phải thi tại trụ trở Viện Hàn lâm Taekwondo Thế giới tại Hàn Quốc.
Trên đây là chia sẻ của tôi về các câu hỏi “Taekwondo có mấy đai”, “Ý nghĩa màu đai Taekwondo như thế nào” và “Học Taekwondo bao lâu thì lên đai đen”. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc hiểu được cơ bản nội dung tôi truyền tải để áp dụng vào quá trình luyện tập thực tế của mình. Nếu có bất kỳ câu hỏi gì, đừng ngại liên hệ với tôi qua Fanpage: Trung tâm Huấn luyện Võ Thuật & Thể theo SLT Ninh Bình hoặc số điện thoại: 091 266 96 45 bạn nhé!